Menu

Đón tết nay, nhớ tết xưa...

08/02/2021 11:48:54

Đã là người Việt Nam, thì dù là ai, sang giàu hay nghèo khó, đang trong hay ngoài nước, mỗi khi tết đến xuân về, đều không khỏi có một tâm trạng nhớ nhung về gia đình, quê hương bản quán. Riêng đối với tôi tôi mỗi lần tết đến, lại thấy sống dậy ký ức về những cái Tết xưa, tết của một thời...

Đó là những năm tháng cũng chưa xa lắm, cái thời mà kinh tế còn nhiều khó khăn, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn. Vào cữ khi những ngày cuối đông trời mưa rơi lất phất, nắng ấm dần lên là báo hiệu xuân đang về.

Trước tết non một tháng thì trong xóm ngoài làng, người người, nhà nhà đều lo chuẩn bị  đón tết bằng cách quét tước, dọn dẹp lại nhà cửa, sân vườn gọn gàng, sạch sẽ. Nhà nào sang hơn, có tiền rủng rỉnh thì gọi người quét vôi trắng, vôi màu lại các bức tường trong, ngoài để ngôi nhà thêm sạch sẽ, sáng sủa chào đón năm mới…

Ở xóm tôi, một xóm nghèo vùng đồng bằng xứ Thanh, việc đầu tiên cần làm để chuẩn bị đón Tết là cả xóm đi gánh nước tại chiếc giếng cổ tại giữa sân đình làng, đổ đầy các bể chứa bên góc nhà để dùng, vì ngày Tết người ta kiêng không đi lấy nước; sợ “dông” cả năm. Do đó những ngày giáp Tết, mấy con đường trong làng lát bằng gạch đỏ ướt đẫm bởi nhà nào cũng phải ra gánh nước về. Phải mất cả một ngày gánh nước oằn vai thì mấy bể nước mới đầy. Vậy là yên tâm có nước dùng mấy ngày tết, lại hy vọng sang năm mới cả nhà sẽ được đầy đủ mọi bề như bể nước đầy...

Ảnh theo báo Phụ nữ và Gia đình

Một việc khá quan trọng để đón tết là việc mổ lợn. Do còn thiếu thốn nên nhiều nhà trong xóm sẽ cùng nhau làm thịt chung một con lợn, mà các cụ gọi là “đánh đụng” thịt lợn. Tùy theo khả năng kinh tế và số lượng người trong mỗi nhà để các gia đình họ hàng hoặc thân quen chung đụng lợn thịt. Thông thường sẽ có khoảng bốn, năm  nhà chung nhau làm thịt một con lợn từ non một tạ…Thế là mới sáng tinh mơ, khắp thôn xóm đều rộn tiếng lợn kêu eng éc… Ở quê, do thường xuyên thịt lợn trong các đám hiếu, hỷ nên hầu như ai cũng biết làm thịt lợn. Nhưng, ngày tết việc chia thịt sẽ được giao cho người có tay nghề khá nhất, để “món nào ra món đấy”, không được vụn nát để các nhà lấy thịt, xương  về còn chế biến các món. Thịt, xương mang về nhà sẽ được sơ chế, lọc riêng ra để làm các món: Giò lụa, giò mỡ, nem chạo, nấu xáo, cuốn nem, nướng, rán áp chảo. Thế là khi thịt lợn được chia cho mỗi nhà  xong, khắp nơi trong xóm lại rộn rã tiếng giã giò thình thịch.

Tiếp đó đến là việc gói bánh chưng. Cả nhà chia nhau mỗi người mỗi việc: các mẹ các chị thì lo rửa lá dong; vo, ngâm gạo, đỗ xanh; còn đàn ông thì chẻ lạt, thái thịt làm nhân, gói bánh. Tôi vẫn còn nhớ , hồi đó tôi mới đi học lớp 4, lớp 5, đã được bố tôi bắt tôi học gói bánh. Những tết đầu tiên học gói, tôi gói rất xấu, chiếc bánh méo mó xiên xẹo nhìn đến buồn cười. Ấy thế mà khi cho bánh vào một thùng phi to thay nồi để luộc bánh, tôi đã tranh ngồi trông bánh cả đêm. Đôi lúc lại mở thùng ra xem nước có cạn bớt không, rồi cho thêm nước vào thùng để bánh khỏi cháy.  Sáng ra buồn ngủ rũ cả người, nhưng  tôi vẫn cố đợi khi bố mẹ vớt bánh, rồi dàn bánh trên một cái mẹt lớn, lấy mâm đè lên. Sau đó lấy thêm chiếc cối đá nặng chận lên trên mâm để lèn bánh cho bánh thật khô rền. Tôi xếp riêng bốn chiếc bánh nhỏ do mình gói vào một chỗ rồi mới đi ngủ bù suốt ngày đến chiều mới dậy. Trong lúc đó bố tôi chọn những chiếc bánh đẹp nhất do chính tay ông gói bày lên bàn thờ cùng một mâm ngũ quả. Còn tôi, vừa mở mắt tôi đã chạy lại chỗ bánh chưng của mình và chọn ra một chiếc đẹp nhất, bóc mời cả nhà cùng ăn thử. Ai cũng khen bánh tôi gói ngon, khiến tôi sung sướng cười tít cà mắt... tôi gói bánh chừng vài năm thành quen, gói khá đẹp. Ấy thế mà cứ đến tết năm sau, khi ngồi vào mâm gói bánh lại quên, cứ phải gói vài cái mới nhớ lại cách gói...

Đi kèm với việc luộc bánh chưng, nhà tôi thì đông anh em, nên mỗi khi chất củi gộc vào ba “ông đầu rau” là ba hàng gạch cao giữa sân, rồi bắc thùng bánh lên, nổi lửa luộc. Củi cháy lâu tạo thành những tảng than lớn đỏ rực, bọn trẻ thường quây quần quanh bếp lửa để nướng sắn, nướng khoai. Khi khoai chính cả bọn lấy ra, vừa thổi phù phù vừa bóc vỏ nhai ngấu nghiến. Đó quả thật là những giây phút hạnh phúc nhất trong quãng đời thơ bé mà tôi không bao giờ quên...

Vui không kém là lúc làm chè lam. Khi mẹ tôi bỏ thóc nếp vào chảo rang bỏng. Mỗi khi có hạt thóc nổ mạnh bắn ra khỏi chảo rang là bọn trẻ nhao lại, tranh nhau nhặt và đút vội vào mồm ăn. Những cái bỏng còn nóng giòn, thơm phức thật ấn tượng. Đến lúc nấu chè lam xong, mẹ tôi cắt bánh ra thành những tấm vuông vắn, cả bọn lại chầu quanh, xin được mẹ cho ăn những mẩu chè lam đầu thừa đuôi thẹo…

Có những việc rất quan trọng và hơi đáng sợ mà tôi vẫn nhớ như in trong các dịp tết xưa, là vào tháng giáp tết (tháng chạp), bố mẹ tôi thường gọi các con lại và dặn rằng đây là tháng “củ mật”, thường có nhiều kẻ trộm rình mò quanh nhà nên phải luôn cảnh giác và hết sức cẩn thận. Bởi bọn kẻ trộm vào tháng này thường đào tường, khoét vách, cạy cổng, trèo tường để lấy trộm gà vịt, giò chả, bánh chưng, quần áo mới sắm Tết… có nhà trong xóm đêm ba mươi bị kẻ trộm lấy sạch đồ tết, sáng mùng một dậy mới biết đã khóc dở mếu dở vì mất cả cái tết đã sắm sửa...nghe vậy chúng tôi vừa sợ vừa thấy háo hức, thay nhau thức để “tuần tra” quanh nhà. Tôi tự tạo được chiếc kiếm gỗ dắt vào thắt lưng buộc bằng dây chuối, và đi tuần quanh nhà với vẻ thật oai vệ. Thế nhưng có lần đi qua vườn rau, thấy động, tưởng kẻ trộm, tôi đã hoảng hốt bỏ chạy trốn vào buồng đến nỗi tuột cả thắt lưng và kiếm gỗ lúc nào không biết...

Chiều ba mươi tết, cả nhà quây quần ăn bữa cỗ tất niên. Đó là bữa cỗ với đủ các món ngon, gồm: bánh chưng, giò lụa, cán rán, nem chạo, thịt gà, lòng lợn, miến, măng, dưa hành... bọn trẻ chúng tôi cảm thấy vô cùng ngon miệng vì trong năm rất ít khi được ăn thịt cá. Sau đó chúng tôi tỏa ra sân, lăm lăm trong tay những chiếc pháo tép chờ đốt đúng giờ giao thừa. Chờ mãi rồi giao thừa cũng tới, khắp trong xóm ngoài làng tiếng pháo nổ đì đùng. Chúng tôi cùng đốt những chiếc pháo tép, tiếng nổ lẹt đẹt hòa trong khói pháo. Bố và mẹ đã ngồi sẵn đợi chúng tôi trong nhà. Bố mẹ gọi từng đứa lại mừng tuổi và dặn dò ba ngày tết phải ăn nói nhẹ nhàng,  không được cãi nhau, thấy người lớn phải chào hỏi lễ phép... tự nhiên tôi thấy lòng nao nao, phải chạy vào một góc nhà giấu đi những giọt nước mắt cứ chực trào ra. Tôi ước mong dù thời gian qua mãi, gia đình chúng tôi vẫn luôn có nhau với những tháng ngày êm đềm như vậy...

Bao nhiêu năm đã trôi qua, bể dâu biến đổi, những ngày tháng xưa cũ đã theo mây bay về cuối trời, cha mẹ tôi đã cùng nhau đi xa, anh em mỗi người một nơi. Nay tết lại về, tết bây giờ cũng đã khác xưa nhiều lắm. Mọi thứ đều có sẵn, nếu dư dả tiền nong, người ta chỉ cần một vài tiếng trong một ngày là đã sắm được một cái Tết đầy đủ, dư thừa. Nhưng dường như những bận bịu lo toan thường nhật trong một cuộc sống hối hả đã không còn làm cho mọi người háo hức nhiều về những cái tết cổ truyền?  Riêng tôi, mỗi độ tết đến xuân về, những ký ức lung linh của một thời về những cái tết đầm ấm, đoàn viên trong thiếu thốn lại sống dậy, không thể nào quên...

                                                                                                         Theo Đào Nguyên Lan (Báo Điện tử ĐCS Việt Nam)

Bài viết cùng chuyên mục

Cứ 5 giây thế giới lại có một người chết vì tiểu đường, các nhà khoa học đang tìm cách ngăn chặn điều đó, bằng một phương pháp hứa hẹn chữa trị tận gốc căn bệnh này.

Không phải kim cương, đâu là vật liệu đắt nhất trên thế giới?

Vì khó sản xuất nên một số vật liệu có giá trị lên tới hàng triệu, hoặc thậm trí hàng tỷ USD cho mỗi gram.

Phát hiện hành tinh cỡ Trái đất có khả năng có sự sống

Ngoại hành tinh TOI 700 e có kích thước xấp xỉ Trái đất, nằm trong vùng có thể ở được và cách chúng ta hơn 100 năm ánh sáng.

Lục địa Châu Phi đang trong quá trình tách ra làm đôi, sẽ hình thành thêm một đại dương mới

Các mảng kiến tạo xung quanh châu Phi, vốn đang di chuyển dần xa nhau ra, sẽ phân tách châu lục này thành hai phần và tạo ra một đại dương mới trong hàng triệu năm nữa.